Bệnh Truyền Nhiễm Và Nhiệt Đới
Giới thiệu
Nhờ có các biện pháp phòng bệnh và chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế, nên ở nước ta có nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán (như bệnh bại liệt) hoặc tỉ lệ mắc bệnh đã giảm hẳn, không gây thành dịch (như bệnh bạch hầu, sởi, ho gà, sốt rét, v.v…).
Tuy nhiên, khí hậu nước ta là khí hậu của các nước nhiệt đới, vệ sinh môi trường còn yếu, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa hoàn thiện, do đó vẫn còn nhiều bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới lưu hành, đôi khi gây dịch, như bệnh thương hàn, bệnh tả, bệnh sốt xuất huyết Dengue v.v… Riêng những năm 2007, 2008, 2009 có đến 14 tỉnh, thành phố ờ miền Bắc mắc bệnh tả do vibrio ELTOR. Những năm 1994, 1995 có tới 42 tỉnh, thành phố mắc bệnh thương hàn do vi khuẩn kháng thuốc, tỷ lệ người mẳc bệnh tới 20.539 – 30.000 người.
Có những bệnh thường xuyên lưu hành như sốt xuất huyết Dengue, nhiễm HIV/AIDS, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn. Mặc khác, sự sử dụng kháng sinh khá rộng rãi, lạm dụng kháng sinh, mua kháng sinh ở nhiều hiệu thuốc không cần đơn của thầy thuốc, do đó làm tăng vi khuẩn kháng thuốc, làm cho điều trị bệnh truyền nhiễm khó khăn và tốn phí.
Hiện nay, trong sự giao lưu quốc tế, có thể mắc các bệnh truyền nhiễm xâm nhập từ bên ngoài vào (như bệnh SARS, cúm A/H1N1, bệnh chân tay miệng v.v…).
Từ năm 1992, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo là ngoài việc xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới (như bệnh do virus EBOLA…), còn có thể tái xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mà trước đây đã thanh toán. Ví dụ, ở nước Nga, trước đây bệnh bạch hầu đã được thanh toán, nhưng từ năm 1990, tiêm phòng không đầy đủ do đó lại xuất hiện bệnh bạch hầu, năm 1994 có tới 39.000 trẻ mắc bệnh và tử vong 1.100 trường hợp.
Chúng tôi biên soạn cuốn sách này để làm tài liệu tham khảo cho các thầy thuốc chuyên ngành truyền nhiễm và thầy thuốc hệ đa khoa, làm tài liệu nghiên cứu và học tập sau đại học và sinh viên y khoa.