Tự Sự Của Một Người Làm Khoa Học
Giới thiệu
Có nhiều cách để người khác biết về mình, nhưng Nguyễn Văn Tuấn đã chọn cách hiệu quả nhất, đó là kể chuyện. Tôi biết về anh không nhiều, chỉ thông qua những bài anh viết trên báo chí Việt và qua blog của anh, nhưng những gì tôi cảm nhận được, cũng giống cảm nhận của nhiều người, anh là một – nhà – khoa – học – dấn – thân. Và cảm nhận đó càng được khẳng định hơn khi đọc Tự sự của một người làm khoa học (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2013).
Gần 600 trang sách, dù anh gần như không nói gì về công việc mình đang làm – GS y khoa đại học New South Wales (Sydney – Úc) cùng nhiều trọng trách khác đang đảm nhiệm, nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận hình ảnh một – nhà – khoa – học – dấn – thân thông qua những trải nghiệm trong cuộc đời được anh kể lại. Có thể là một chuyến đi mang tính “cột mốc” hay những chuyến du ký; có thể là một lần được đọc (Đọc Bùi Ngọc Tấn), nghe (Tình ca Trịnh Công Sơn) hay cảm nhận (Nhớ nước mắm quê nhà); có thể là cảm xúc về một người thân yêu (Má tôi) hay một người mà anh ngưỡng mộ (Nhớ anh Tới); và không thể không là những gì mà anh tâm huyết bấy lâu nay – khoa học và giáo dục với những góc sáng, tối của nó.
Với Tự sự của một người làm khoa học, người đọc thấy Nguyễn Văn Tuấn có tinh thần khoa học – vì anh phê bình nhưng không chê bai, phản biện nhưng không chỉ trích. Và Nguyễn Văn Tuấn cũng có tinh thần dấn thân – vì anh đề cập đến những sự thật của xã hội Việt hiện nay (đạo đức xuống cấp, ăn cắp học thuật…), chứ không “mũ ni che tai” hoặc “đóng khung trong tháp ngà” như thái độ của không ít người làm khoa học khác.
Đọc Tự sự của một người làm khoa học, người ta có thể “phiền toái” khi tác giả “ôm đồm” nhiều chuyện, đề cập nhiều lĩnh vực, ngoài khoa học còn có văn chương, hội hoạ, thơ ca, văn hoá. Anh biết điều đó chứ, nhưng anh cho rằng “mình quan tâm đến nhiều chuyện” hơn là “nhiều chuyện”. Nhưng, dù “quan tâm đến nhiều chuyện” hay “nhiều chuyện” gì đi nữa, tôi vẫn thích anh như thế. Bởi trước khi anh là một – người – làm – khoa – học, anh phải là một – con – người đã, mà là con người thực sự thì trong cuộc sống có biết bao chuyện để buồn, vui, suy tư, trăn trở, hy vọng…
Đọc Tự sự của một người làm khoa học, người ta thấy Albert Einstein nói có lý: “Một người bắt đầu sống khi anh ta có thể sống vượt ra ngoài bản thân mình”. Một cuốn sách dễ đọc, nhiều cảm xúc, có ích cho mọi người, đặc biệt là người trẻ và người làm khoa học.
Phan Sơn
VUI LÒNG ÐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN ÐỂ THẤY DECRYPTION KEY
This content is restricted to subscribers